Ngân sách năm 2023 thâm hụt hơn 216.400 tỷ đồng

Mức bội chi ngân sách sau quyết toán năm 2020 là hơn 216.405 tỷ đồng (gần 9,3 tỷ USD), thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung trong năm này.

Chiều 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa uỷ quyền Thủ tướng, báo cáo trước Quốc hội quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Theo đó, tổng thu ngân sách sau cân đối là gần 2,28 triệu tỷ đồng, gồm thu theo dự toán hơn 1,51 triệu tỷ đồng; còn lại là các khoản chuyển nguồn, thu kết dư và khoản thu từ quỹ dự trữ tài chính.

Tổng chi cân đối ngân sách hơn 2,53 triệu tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, còn lại là khoản chi chuyển nguồn sang 2021.

Sau cân đối, mức bội chi ngân sách là hơn 216.405 tỷ đồng (gần 9,3 tỷ USD), tương đương 3,44% GDP. Mức thâm hụt ngân sách này thấp hơn nhiều so với mức Quốc hội cho phép điều chỉnh (368.300 tỷ đồng – khoảng 5,41% GDP).

Kiểm toán quyết toán thu chi năm 2020 của Chính phủ, Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, việc lập dự toán thu ngân sách chưa sát với khả năng nguồn thu, nhất là thu từ tiền sử dụng đất, dẫn tới dự toán chỉ bằng 72% so với thực hiện. Hay dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) chưa sát, nên số phải hoàn vượt kế hoạch.

Uỷ ban Tài chính ngân sách sau thẩm tra cũng đồng ý kiến nghị Quốc hội quyết toán ngân sách 2020 như Chính phủ trình. Nhưng bà Nguyễn Phú Hà, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cơ quan thẩm tra, đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm về đánh giá tình hình thực hiện thu chi. Theo bà, khi còn 2 tháng hết niên độ ngân sách vẫn đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng bội chi thêm 133.500 tỷ đồng, nhưng thực tế lại thực hiện thấp hơn dự toán ban đầu.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cũng cần quản lý chặt các khoản vốn vay; các khoản tạm ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để giảm bội chi ngân sách trung ương, vay nợ Chính phủ và giảm chi phí trả lãi vay.

Facebook
Twitter
Email
Print